Nổi tiếng nhất ở thành cổ Lệ Giang là Lệ Giang cổ trấn, chính thức là Dayan (Đại Nghiên cổ trấn), được xây dựng vào cuối thời nhà Tống và đầu nhà Nguyên (cuối thế kỷ 13 sau Công nguyên), là một trong những điểm du lịch trọng điểm thuộc thành phố Lệ Giang.
Tên trong tiếng Nạp Tây của thành cổ Lệ Giang là “Gongbenzhi”, “Gongben” có nghĩa là vựa lúa và “Zhi” có nghĩa là chợ. Sở dĩ gọi như vậy bởi khu vực này trước đây cũng là một trong những trung tâm giao thương nông sản lớn và quan trọng ở vùng Vân Nam, Trung Quốc.
Đặc điểm kiến trúc của Lệ Giang cổ trấn
Từ cách bố trí tổng thể của thành phố đến kỹ thuật và kiến trúc, Lệ Giang cổ trấn là nơi hội tụ tinh hoa của người Hán, Bạch, Lô Lô, Tây Tạng, Nạp Tây và các nhóm dân tộc thiểu số trong khu vực. Kiến trúc của thành cổ Lệ Giang không hề bị ảnh hưởng bởi những mô típ đặc thù của các thành phố ở khu vực trung tâm khác, ngược lại sở hữu một nét đặc trưng riêng biệt vô cùng độc đáo, biến nơi này thành điểm du lịch tham quan nổi tiếng độc nhất vô nhị.
Lệ Giang cổ trấn lấy nước làm cốt lõi, thể hiện bố cục không gian độc đáo với hệ thống nước được bố trí khắp cổ trấn. Khu vực cổ thành cũng rất nổi tiếng với những cây cầu cong cong bắc qua những cong rạch nước trong vắt, mát lành.
Về hình dáng và kết cấu bên ngoài, các ngôi nhà ở khu vực thành cổ kết hợp kiến trúc Hán và kiến trúc Tây Tạng, Bạch,… sử dụng tường đất và đá, mái xếp tầng với ngói xanh, khung gỗ, bổ sung các chi tiết hội họa và mỹ thuật đặc trưng cùng các khía cạnh kỹ thuật đặc thù khác hình thành nên phong cách vô cùng độc đáo. Hầu hết các ngôi nhà là cấu trúc dân dụng được xây theo kiểu tam phường nhất chiếu bích, tứ hợp ngũ thiên tỉnh, tiền hậu viện, nhất tấn lượng viện đẳng kỉ,
Kiến trúc Lệ Giang là sự thống nhất cơ hữu giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự khéo léo của bàn tay con người, giữa nghệ thuật và nền văn minh thời cổ xưa. Nghệ thuật chứa đựng trong kiến trúc của Lệ Giang xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người Nạp Tây, là sản phẩm của sự hội nhập văn hóa và công nghệ dân tộc địa phương, đồng thời là một phần quan trọng trong di sản kiến trúc quý giá của dân tộc Trung Hoa.
Các điểm tham quan chính ở Lệ Giang Cổ Trấn
Mộc Phủ (Mufu)
Mộc Phủ ban đầu là thủ phủ của gia đình họ Mộc ở Lệ Giang, nằm ở phía Đông chân núi Shizi (Sư Tử) thuộc cổ thành Lệ Giang. Dinh thự họ Mộc có diện tích 46 mẫu, trong dinh thự có 162 căn phòng lớn nhỏ, trục trung tâm dài 369 mét, Tam Thanh Điện, Ngọc Âm Lâu, Quang Bích Lâu, Hộ Pháp Điện, Vạn Quyên Lâu, Quảng trường Trung Nghĩa được sắp xếp theo thứ tự từ Tây sang Đông.Có mười một tấm biển do các hoàng đế từ các triều đại trước ban tặng được treo bên trong, phản ánh lịch sử thăng trầm của gia tộc họ Mộc. Bộ phim truyền hình “Mộc Phủ Phóng Vân” kể về câu chuyện của thủ lĩnh gia đình họ Mộc của Lệ Giang đã được quay ở đây.
Vạn Cổ Lâu (Wangulou)
Vạn Cổ Lâu là một tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ có mái hiên năm lớp kiểu tháp, cao 33 mét, tượng trưng cho 330.000 người thuộc các nhóm dân tộc khác nhau ở Quận tự trị Lệ Giang Nạp Tây trước đây.
Ở đây bạn có thể nhìn thấy Núi tuyết Ngọc Long huyền diệu và xinh đẹp ở phía Bắc, những cây cầu nhỏ và dòng nước chảy róc rách ở phía Đông, Lệ Giang cổ trấn mới đầy màu sắc ở phía Tây và những ngôi làng thôn quê đẹp như tranh vẽ ở phía Đông và phía Nam.
Bảo tàng Văn hóa Dongba Lệ Giang
Bảo tàng văn hóa Dongba Lệ Giang nằm ở phía Bắc của Hắc Long Đàm, được thành lập vào tháng 7 năm 1984, là bảo tàng cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Vân Nam. Bảo tàng có diện tích 30 mẫu, là nơi lưu giữ hơn 10.000 di tích văn hóa quý giá, trong đó có 52 di tích văn hóa cấp quốc gia. Bảo tàng Văn Hóa Dongba cũng là nơi trưng bày sản phẩm quý mang tên “Văn hóa Dongba” và phòng triển lãm nhiếp ảnh phong tục truyền thống dân tộc.
Ngũ Phụng Lâu (Wufenglou)
Ngũ Phụng Lâu nằm trong Phúc Quốc Tự ở Lệ Giang Trung Quốc, được xây dựng vào năm Vạn Lịch thứ 29 của triều nhà Minh (năm 1601 sau Công nguyên). Bởi vì hình dạng kiến trúc của tòa tháp giống như năm con phượng hoàng đang bay, nên nó được đặt tên là Ngũ Phụng.
Tòa tháp này cao 20 mét, tích hợp các phong cách nghệ thuật kiến trúc của Hán, Tây Tạng, Nạp Tây, trên trần của tòa nhà được vẽ rất nhiều hoa văn tinh xảo. Đây là một kho báu và một ví dụ điển hình về kiến trúc cổ đại của Trung Quốc.
Chùa Puji (Phổ Tế Tự)
Chùa Puji nằm ở núi Puji, cách thành cổ Lệ Giang 6 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 36 (1771), là một trong năm tu viện Phật giáo lớn nhất ở ngoại thành Lệ Giang.
Năm 1988, chùa Puji được liệt kê trong danh sách di tích văn hóa cấp tỉnh cần được bảo vệ. Trong sân của chánh điện có hai cây anh đào được trồng từ năm 1771, là cây hoa anh đào nổi tiếng nhất Vân Nam.
Phố vuông Tứ Phường (Sifang)
Phố Tứ Phường là một con phố ăn vặt nổi tiếng trong thành cổ, hai bên đường là vô số các nhà hàng nhỏ chuyên cung cấp các loại loại mỳ gạo đặc trưng của Vân Nam, vì thế nên con phố này còn được gọi là “Phố mỳ Lệ Giang”.
Con phố này là trung tâm của thành cổ Lệ Giang, tương truyền do thủ lĩnh họ Mộc thời nhà Minh xây dựng theo hình ấn ký của ông. Đây là trung tâm quan trọng nhất của Trà Mã Cổ Đạo – nơi các các thương nhân từ mọi tầng lớp xã hội và nền văn hóa của các dân tộc khác nhau đã giao thoa ở đây dưới thời nhà Thanh và nhà Minh.
Phố Tứ Phường ngày nay là một địa điểm quan trọng trong thành phố Lệ Giang, nơi thường xuyên được sử dụng để tổ chức các hoạt động lễ hội và hoạt động văn hóa trong thành phố.
Tòa nhà Kegongfang
Kegongfang (Khoa Cống Phường) là một tòa nhà ba tầng nằm ở phía Tây của Phố Tứ Phường được xây dựng cho “nhất gia tam di” của gia tộc họ Dương ở Lệ Giang.
Kegongfang ở thành cổ của Lệ Giang, được xây dựng lần đầu tiên vào thời Đạo Quang của nhà Thanh khi Lệ Giang được cai trị bởi các quan lại do chính quyền trung ương bổ nhiệm và bước vào một xã hội lãnh chúa phong kiến. Sự biến đổi của chế độ xã hội đã kích thích mạnh mẽ tinh thần ham học của con em dân gian.
Trong thời kỳ Gia Khánh của nhà Thanh, hai anh em họ Dương, sống ở Kegongfang, đều đỗ đạt trong kỳ thi khoa cử, sau đó con trai của người em cũng đổ đạt, nên chính quyền và nhân dân địa phương đã quyên góp tiền để xây một Kegongfang hai tầng ở đầu ngõ. Sau này trong một trận hỏa hoạn, Kegongfang đã bị phá hủy, và ba năm sau người dân đã góp tiền xây dựng lại thành tòa nhà 3 tầng như hiện tại.
Cầu cổ Lệ Giang
Có tới 354 cây cầu được xây dựng trên hệ thống dẫn nước ở Lệ Giang cổ Trấn, với mật độ trung bình là 93 cây cầu trên một km2. Những cây cầu ở đây có nhiều hình dạng khác nhau, nổi tiếng nhất trong số đó là cầu Suối Nguồn, cầu Đại Thạch, cầu Vạn Thiên, cầu Nam Môn, cầu Mã An và cầu Nhân Thọ, tất cả đều được xây dựng vào thời nhà Minh và nhà Thanh (thế kỷ 14-19 sau Công nguyên). Trong số đó, cầu Đại Thạch nằm cách phố Tứ Phường 100 mét về phía Đông là đặc biệt nhất.
Cầu Đại Thạch là cây cầu đầu tiên trong số tất cả các cây cầu kể trên được thủ lĩnh của gia đình họ Mộc xây dựng vào thời nhà Minh. Từ chân cầu, du khách có thể ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của Núi tuyết Ngọc Long vô cùng huyền ảo nên còn được gọi là cầu Ánh Tuyết. Cây cầu này có dạng vòm, được xây dựng bằng đá phiến, dài hơn 10m, rộng gần 4m, mặt cầu được lát bằng đá ngũ hoa truyền thống trông vô cùng cổ kính.
Hắc Long Đàm
Hắc Long Đàm còn được gọi là Công viên Ngọc Tuyền, nằm dưới chân núi Tương Sơn ở phía Bắc thành cổ Lệ Giang, ở độ cao 2500m so với mực nước biển. Từ phố Tứ Phường ngược dòng lên thượng nguồn sông Ngọc Hà khoảng 1km sẽ bắt gặp một hồ nước trong vắt như pha lê, đó là Hắc Long Đàm.
Nước từ trong các khe đá và những dòng suối trong vắt ở xung quanh chảy vào Hắc Long Đàm tạo thành một hồ nước rộng 40.000 mét vuông, được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cây liễu duyên dáng và những vườn hoa rực rỡ.
Rải rác quanh Hắc Long Đàm là những tòa nhà, những cổ lầu tuyệt đẹp được bao quanh bởi núi và sông. Khung cảnh và màu sắc tổng thể của công viên Hắc Long Đàm tựa như vần thơ đẹp thu hút du khách ghé thăm lưu luyến không rời. Đây là cảnh đẹp Lệ Giang mà du khách không thể bỏ lỡ.
Đền Long Đàm Bạch Mã
Đền Long Đàm Bạch Mã nằm dưới chân núi Shizi phía nam của thành cổ Lệ Giang, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 19 của triều đại nhà Thanh (năm 1754 sau Công nguyên), bị phá hủy trong một cuộc chiến ở Tây An, và được xây dựng lại vào năm năm Quang Tự thứ tám (1882 sau Công nguyên). Ngôi đền được bao bọc bởi những ngọn núi cao sừng sững và làn nước trong vắt và phong cảnh đẹp như tranh vẽ, đã thu hút vô số văn nhân đến ngâm thơ và ca hát.
Phố cổ Bạch Sa
Cụm nhà ở khu phố cổ Bạch Sa được xây dựng trong triều đại nhà Tống và nhà Nguyên nằm cách Phố cổ Dayan 8km về phía Bắc. Những ngôi nhà ở đây được sắp xếp theo trục Bắc – Nam xung quanh một quảng trường trung tâm.
Khu phức hợp tôn giáo này bao gồm các hội trường và bảo tàng chứa hơn 40 bức tranh có niên đại từ đầu thế kỷ 13 mô tả các chủ đề liên quan đến Phật giáo, Đạo giáo và cuộc sống của người Nạp Tây, kết hợp các yếu tố văn hóa của người Bạch.
Thúc Hà Cổ Trấn
Thúc Hà cổ trấn nằm cách phố cổ Dayan 4 km về phía Tây Bắc với những ngôi nhà nép mình dưới chân núi và được bao quanh bởi nước phản ánh sự pha trộn của văn hóa địa phương, phong tục dân gian và truyền thống qua nhiều thế kỷ.
Thúc Hà cổ trấn là một trong những khu định cư sớm nhất của người Nạp Tây ở Lệ Giang, nổi tiếng với những cây cầu nhỏ, những ngôi nhà cổ và những con đường lát đá xanh, giống như một phiên bản thu nhỏ của Lệ Giang, nhưng nó yên tĩnh và cổ kính hơn do không phát triển thương mại như Dayan.